CT Scanner là gì? Chụp cắt lớp điện toán hay CT Scanner là phương pháp khảo sát hình ảnh kỹ thuật cao, CT Scanner dùng phương pháp điện toán xử lý dữ liệu thu được từ hệ thống cảm biến bộ phận ghi nhận tia X còn lại sau khi đi qua phần cơ thể khảo sát để dựng hình. Hình ảnh CT Scanner gần giống hình ảnh giải phẫu, có độ ly giải và tương phản cao.
CT là từ viết tắt của thuật ngữ Computed Tomography. Tomography là phương pháp chụp ảnh cắt lớp; Computed Tomography mang ý nghĩa là chụp cắt lớp với sự hỗ trợ của máy tính. Đây là phương pháp tạo ảnh dựa vào tính chất hấp thụ tia X của vật chất. Cùng với các phương pháp tạo ảnh khác như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính CT giúp cho ta “nhìn thấy” các cơ quan bên trong của con người mà không phải thực hiện phẫu thuật.
Chụp cắt lớp điện toán là kỹ thuật được Godfrey Hounsfield, một nhà khoa học người Anh sáng tạo năm 1972 và nhận giải Nobel Y học năm 1979. Lúc này ông vừa tròn 60 tuổi. Ðây là một kỹ thuật X-quang đặc biệt cho phép nghiên cứu trên những hình ảnh cắt lớp các phần mô khác nhau của một cơ thể sống nhờ một dụng cụ đặc biệt gọi là scanner (thuật ngữ chính thức được Hounsfield dùng năm 1980).
CT được ứng dụng rất rộng rãi trong chẩn đoán lâm sàng cũng như trong sinh thiết. CT được dùng để chẩn đoán các phần cứng của cơ thể bị tổn thương như: sọ não, cột sống, xương … Trong tất cả các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện nay thì CT cho hình ảnh về các phần cứng của cơ thể rõ nhất. CT còn được dùng để chẩn đoán ung thư, giúp phát hiện sớm khối u. Chụp CT có tiêm cản quang có thể giúp cho bác sĩ đánh giá sự phát triển và sự di căn của khối u. Các bệnh về tim mạch như tắc nghẽn mạch máu, các dị tật của tim…có thể được phát hiện bởi CT. CT được dùng trong nha khoa, nhi khoa, nhãn khoa hay để thực hiện nội soi ảo dùng kỹ thuật tạo ảnh 3D với sự hỗ trợ của máy tính. Ngoài ra, CT còn dùng để trợ giúp sinh thiết như sinh thiết tuyến tiền liệt, sinh thiết ung thư vú, sinh thiết cổ tử cung…
Một ưu điểm lớn nhất của CT là cho phép khảo sát các phần xương có cấu trúc tinh tế. Phương pháp chụp cộng hưởng từ - MRI (magnetic resonance imaging) không tỏ ra hữu hiệu trong trường hợp này. Hình ảnh CT cho chất lượng rất tốt. Vì vậy, hiện nay người ta kết hợp CT với phương pháp PET (dùng để tạo ảnh chức năng) để tạo ra máy quét CT/PET vừa cho hình ảnh giải phẫu vừa khảo sát được chức năng của các cơ quan.
Hình ảnh: